Cảnh báo lừa đảo đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ
Cảnh báo lừa đảo đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc thời vụ
(Dân trí) - Các đối tượng môi giới chào mời đưa người sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Bộ LĐ-TB&XH lưu ý, việc tuyển chọn lao động diện này được thực hiện trực tiếp bởi chính quyền địa phương của 2 nước.
Ngày 2/8, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông tin, gần đây Cục nhận được nhiều thông tin phản ánh của người lao động về việc bị môi giới lừa đảo đưa sang Hàn Quốc làm việc thời vụ.
Theo đó, các đối tượng chào mời, quảng bá có thể đưa người lao động sang làm công việc thời vụ tại Hàn Quốc diện visa C4 và E8, theo thỏa thuận ký kết giữa địa phương của Việt Nam với địa phương của Hàn Quốc.
Đáng chú ý, các đối tượng môi giới cam kết sẽ đảm bảo các thủ tục đưa người lao động sang Hàn Quốc theo chương trình này để thu tiền bất chính của người lao động.
"Chỉ có người lao động tại 12 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu và Tuyên Quang đã ký kết thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc mới được đi theo chương trình.
Mọi cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác đều không được thực hiện hành vi tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ", Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định.
Đối với lao động ở địa phương chưa có thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc, đối tượng môi giới cũng hứa hẹn làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến địa phương đã có thỏa thuận với Hàn Quốc để thu thêm tiền của người lao động.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đề nghị công an một số địa phương điều tra hành vi vi phạm pháp luật của một số tổ chức như công ty TNHH TM Dịch vụ tư vấn du lịch và du học quốc tế T&Q, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ du lịch L&R... Đây là những chủ thể đã tổ chức tuyển chọn và thu tiền của người lao động để cam kết đưa đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (theo thị thực E8).
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, phái cử lao động thời vụ là chương trình dành cho người nước ngoài do Hàn Quốc triển khai và được Chính phủ Việt Nam tiếp tục cho phép các địa phương thí điểm triển khai từ 1/1/2022.
Đến nay, chương trình này mới chỉ triển khai ở 12 địa phương gồm Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu và Tuyên Quang.
"Chỉ có người lao động tại 12 địa phương đã ký kết thỏa thuận với các địa phương của Hàn Quốc nêu trên mới được đi theo chương trình. Mọi cơ quan, tổ chức hay cá nhân khác đều không được thực hiện hành vi tuyển chọn và phái cử lao động thời vụ", Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định.
Cơ quan này cho biết thêm, tại các địa phương triển khai chương trình, Sở LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý thực hiện và Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH là đơn vị trực tiếp tuyển chọn, hoàn thiện hồ sơ và phái cử lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Để tránh bị lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin và chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương là Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Dịch vụ việc làm, không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới.
Trước đó, ngày 30/6, Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã ban hành lệnh số 1054 thông báo điều chỉnh một số nội dung của "Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh".
Theo đó, phía Hàn Quốc cho phép người lao động thời vụ E8 được gia hạn thời gian cư trú, tổng thời gian cư trú không vượt quá 8 tháng tính từ ngày nhập cảnh. Nội dung sửa đổi này được áp dụng ngay từ ngày 30/6/2023 đối với cả lao động thời vụ đang làm việc tại Hàn Quốc.
Để tránh bị lừa đảo, người lao động chỉ đăng ký tham gia chương trình này thông qua các cơ quan chức năng tại địa phương như Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Dịch vụ việc làm, không đăng ký tham gia với bất kỳ tổ chức, cá nhân môi giới.
Hình thức lao động thời vụ tại Hàn Quốc áp dụng đối với người lao động trong độ tuổi từ 30-55 tuổi, là công dân cư trú dài hạn tại địa phương ký Thỏa thuận; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Không có tiền án và không thuộc diện cấm không được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật; có đủ sức khỏe để đi làm việc ở nước ngoài; đang làm việc trong lĩnh vực ngành nông nghiệp, ngư nghiệp…
Theo chương trình này, người lao động được trả lương theo mức lương tối thiểu theo quy định hằng năm của Hàn Quốc. Với năm 2023, mức lương là 2.010.580 KRW/tháng, tức khoảng 36 triệu đồng.
Người lao động được hưởng các chế độ về thời gian làm việc, nghỉ ngơi; điều kiện làm việc, ăn, ở, sinh hoạt, bảo hiểm, chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của Hàn Quốc và được địa phương Hàn Quốc hỗ trợ một phần tiền mua vé máy bay khứ hồi...